tháng ba hoa ban

tháng ba hoa ban nở trắng áo em
đứng trông đoàn tàu nhả khói đêm đen
chở trăm nghìn mộng mơ đi biệt xứ
bụi sao lả tả xuống tóc nhung mềm

tháng ba hoa ban nở trắng áo em
nàng Bân đan áo, mưa giăng đầy thềm
đời người còn bao lần mười năm nữa
đôi mươi chớm nở, em cười ai xem?

tháng ba hoa ban nở trắng áo em
tay em nâng rèm, ngồi mong nắng đến
cuộc đời có gì làm em quyến luyến
tìm đâu thần linh ngự trên con thuyền

2022.

le bonheur, mais y’a pas de bonheur.

chiều cuối năm, cô Thảo gửi cho tôi một đường link của Le Cinéma Club. như mọi khi, tôi bấm vào xem luôn: bộ phim đang được chiếu là Le Bonheur, đạo diễn là Agnès Varda. tôi nhớ mang máng tên bà từ Cléo de 5 à 7. mở đầu phim được năm phút, bày ra trước mắt tôi là một khung cảnh rực rỡ xinh đẹp của đồng quê nước Pháp. tiến gần đến chính giữa khung hình là một gia đình vô cùng hạnh phúc với bố mẹ và hai đứa con. và dù người chồng không khá giả gì (họ sống trong căn nhà chật chội, ngủ trên một chiếc giường chật chội và phải mượn ô tô để đi dã ngoại cùng nhau), họ tận hưởng niềm vui khi sống cạnh nhau. nhìn hai vợ chồng thực sự hạnh phúc. tôi rất sợ những phim mở đầu bằng một gia đình hạnh phúc, vì y như rằng sẽ có sóng gió ập tới ở những phút tiết theo và xé toạc gia đình đó ra. tôi không kìm được mà nhắn luôn cho cô, bảo là cô ơi xem mấy phút đầu bất an quá.

rồi François phải lòng Émilie, một phụ nữ tóc vàng (giống vợ mình) làm việc ở bưu điện và họ cứ thế quấn lấy nhau. rồi một ngày, khi đi dã ngoại trong rừng như mọi khi, Thérèse hỏi François tại sao gần đây anh vui vẻ hơn bình thường như vậy. và anh ta kể cho vợ mình về nhân tình, dùng một phép ẩn dụ đầy hoa mỹ. ban đầu cô có vẻ suy sụp, nhưng sau đó lại nói rằng hạnh phúc của cô là hạnh phúc của anh, và cô đang hạnh phúc hơn bao giờ hết. tỉnh dậy sau cuộc truy hoan, chàng tuyệt vọng tìm kiếm vợ mình, chỉ để thầy thi thể lạnh ngắt của nàng được vớt lên từ dưới hồ. đây mới giống cái tát nàng dành cho chồng.

tên phim là le bonheur (niềm hạnh phúc) mà tôi chẳng thấy hạnh phúc ở đâu cả. bộ phim này ám ảnh tôi, theo một khía cạnh nào đó. tôi nghĩ đầu tiên là vì mình lớn lên trong gia đình với cái vỏ hoàn hảo y như vậy với người ngoài. giống như một quả táo ngon lành, nhưng khi cắn ra thì đầy sâu mọt ở trong. bố mẹ tôi và ba chị em là hình mẫu mà mọi người luôn ngưỡng mộ, đâu biết có đủ thứ diễn ra dưới mái nhà ấy. tôi sợ điều tương tự sẽ xảy ra với mình, khi tôi tự thấy mình cũng có một gia đình nhỏ xinh xinh, nhưng ai biết tương lai sẽ thế nào.

điều làm tôi điên tiết là cách mà chàng ta nói với vợ và nhân tình. hai bài diễn văn mùi mẫn. với nàng nhân tình, chàng khẳng định nàng khác hẳn người vợ: chăn gối giỏi hơn, vui hơn, đầy bất ngờ và như thứ rượu vang lạ (làm chàng choáng váng). nàng giống chàng hơn, nàng như con thú trong vòng tay của Mẹ thiên nhiên. Et moi j’aime la nature. Ôi một câu punchline chốt hạ trái tim của Emilie. còn với nàng Thérèse, chàng ta muốn nàng hạnh phúc, nàng luôn là ưu tiên, nhưng chàng so sánh tình nàng như cây táo đầy hoa để rồi cho rằng cây táo này không nhiều hoa, không sai quả bằng cây táo Emilie. cứ như chàng có mười cánh tay, nàng có mười cánh tay và họ ôm chặt lấy nhau bằng tất cả chúng. nhưng bỗng chàng mọc thêm tay. chàng hỏi vợ rằng anh có đối xử với em khác đi không, có yêu em ít hơn không? tôi nghĩ đây mới là sự ác độc, còn hơn cả bản thân việc ngoại tình: chàng ta muốn chính vợ thừa nhận rằng chàng ta có quyền ngoại tình chỉ vì tình chàng không thay đổi với nàng, muốn vợ mình chấp nhận tình yêu của chàng với Emilie. hai bài diễn văn cho hai người phụ nữ từ một gã đàn ông ái kỷ. đến khúc này, tôi chỉ muốn đấm vào mặt chàng.

thỉnh thoảng chồng trêu tôi rằng đàn ông sẽ gặp cám dỗ, nhưng em yên tâm vì đàn ông dù có bồ thì kiểu gì sau cũng sẽ về với vợ con. anh nói đàn ông mà có bồ thì còn phải chiều vợ hơn ngày trước. từng câu từng chữ François nói như được chồng tôi thở ra vậy, làm mồ hôi lạnh của tôi chảy ra khắp người. trong chốc lát, tôi giận chồng mình vô cùng. cứ như thể anh cho rằng điều ấy là bình thường, là có thể chấp nhận được. tôi quen biết chồng mình đủ lâu để biết rằng anh không có ý như vậy. nhưng là lúc này thôi, ai mà biết được =))))

cái ý tưởng rằng nàng Thérèse (người vợ) có thể bị thay thế một cách dễ dàng cũng thật kinh khủng. cứ như rằng nàng chưa từng tồn tại. sau cái chết của nàng, tôi đã mong đợi sự vật vã và hối hận của người chồng, sự dằn vặt của nàng nhân tình cũng như những đứa trẻ nheo nhóc đòi mẹ. nhưng không. chẳng có gì cả. anh chàng và cô nàng cưới nhau, hai đứa trẻ chấp nhận người mẹ mới một cách quá dễ dàng, nàng Thérèse chìm vào quên lãng như cách nàng chìm xuống nước. đến cuối, con thú hoang trong vòng tay Mẹ thiên nhiên của François tự gieo mình vào mồ chôn của tình yêu, thay thế cho cô vợ tội nghiệp. và lần đầu tiên Emilie mặc một chiếc áo đỏ, màu mà Thérèse thường mặc, ám chỉ nàng không còn tự do, hoang dại hay bí ẩn nữa. họ vẫn sống trong căn nhà chật hẹp, làm tình trên chiếc giường chật hẹp, cuộc sống của François về quỹ đạo như trước. tôi tự hỏi mất bao lâu để anh ta điên tình vì một cây táo khác nhiều hoa, sai quả hơn.

mà thật ra nhan đề tôi đặt cho bài viết không đúng. có hạnh phúc trong le bonheur chứ, chẳng qua nó không phải kiểu “happily ever after” mà nếp nghĩ của tôi luôn định hình sẵn. mất rất lâu tôi mới cảm nhận được, rằng niềm hạnh phúc chỉ là những khoảnh khắc đứt quãng trong đời. nghe hơi cliché, nhưng đúng là như vậy. nếu không biết đạo diễn là Agnès Varda, tôi vẫn nghĩ rằng phim này do phụ nữ đạo diễn, nhưng đó chỉ là cảm quan mơ hồ của tôi mà thôi. vậy mà nhiều người cho rằng đây là một bộ phim phản nữ quyền, nhưng tôi lại thấy không hề. làm gì có chuyện đó. nhưng ngôn từ của tôi thì vẫn bất lực vô cùng trong việc truyền tải và giải thích cho suy nghĩ của mình. tuy nhiên, cảm giác từ khi làm vợ, tôi phát triển một sự đồng cảm sâu sắc hơn với rất nhiều bà vợ trên đời, trên giấy, trong các ca khúc hay trên phim ảnh.

bố tôi và chai dầu gội dove

năm tôi học lớp bảy, công ty bố có tổ chức một chuyến du lịch. đáng lẽ mẹ tôi cũng đi, nếu bố mẹ không cãi nhau từ tối hôm trước. sau này tôi mới biết, bố cố tình khơi chuyện để bắt mẹ ở nhà, vì ở công ty bố lúc đó có tình nhân của bố. thế là bố chỉ cho hai chị em tôi đi, tiện thể nhờ cô tình nhân kia chăm chúng tôi (để chúng tôi thích cô).

khi bố mẹ cãi nhau như thế, mẹ vẫn chuẩn bị quần áo, khăn tắm, bàn chải, kem đánh răng và dầu gội cho chúng tôi mang đi. nhưng bố tôi tỏ ra không cần. ông ra tạp hoá mua chai dầu gội dove cho chúng tôi rồi cất vào vali mà không biết rằng chị em tôi không thích và cũng chưa bao giờ dùng nhãn hiệu này.

sau này tôi biết thêm được, giai đoan đó bố đệ đơn ly dị mẹ lần đầu tiên. việc ông chạy ra cửa hàng mua cho hai chị em tôi chai dầu gội dove hay việc cùng tình nhân chăm cho hai chị em tôi trong kỳ nghỉ (như đóng giả làm một gia đình thật sự!) là một nỗ lực thể hiện rằng ông có thể chăm sóc cho chúng tôi mà không cần mẹ. nhưng ông đã lầm, chúng tôi cần mẹ. cần mẹ hơn cần bố nhiều, vì thường ông không quan tâm đến chúng tôi mà chỉ bao biện cho tình thương của mình bằng đòn roi và sự hời hợt núp bóng sự im-lặng-vụng-về của cánh đàn ông.

bad dreams

đêm qua tôi mơ mình tự tử.

tôi nằm trên sàn gỗ bóng loáng với ánh sáng nhè nhẹ ban trưa. tôi nốc một mớ thuốc màu hồng, rồi bọt trắng sùi ra khỏi miệng, rồi tôi chết. chết ngắc. hồn tôi lìa khỏi xác, đứng như trời trồng nhìn thân thể vặn vẹo của mình tái dần đi và co cứng lại.

xác tôi, bị lột sạch quần áo, trần truồng co quắp, sau đó bị một đám người khiêng ra ngoài và ném xuống đất. một tiếng “bịch” vang lên, tôi thấy xác mình nằm trên nền cát, ánh mắt của những người xung quanh như những con diều hâu chầu chực để mổ lấy xác tôi. tệ hơn, người ra lệnh làm việc đó là bố tôi, và có vẻ ông muốn làm nhục con gái mình lần cuối, một cách vĩnh viễn, cái nhục nhã bất tử. vì nó chọn tự tử.

tôi chưa từng ham sống đến mức đó. tôi ước mình chưa từng làm thế. tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ có ý nghĩ tự tử. tôi cố gắng mọi cách để có thể sống lại. tôi đã khóc nhiều và hoảng loạn. điều đáng buồn là, giấc mơ này chưa phải là ác mộng. tôi không tỉnh dậy sau khoảnh khắc thấy xác mình bị vứt đi một lúc lâu. nó không đủ đánh thức tôi dậy khỏi cơn ngủ.

tôi nhận ra, đằng sau thói thức khuya ngủ muộn của mình, là một nỗi sợ ngủ. sợ phải thấy những giấc mơ. những giấc mơ tôi gặp thường quỷ dị vô cùng, mà nếu tôi thức giấc không có ai nằm cạnh, tôi sẽ phải tốn thời gian để mình bình tĩnh, và tỉnh táo trước khi bắt đầu một ngày mới.

le choix

Pierre ôm đầu nói với Trang: 
– Nhưng cậu không thể làm thế được! Chuyện này hệ trọng đấy. 
– Nhưng nó cũng chỉ là vấn đề tớ chọn ai thôi mà. Thật ra khi chọn ai thì sau này tớ cũng có thể có những khoảnh khắc hối tiếc vì sự lựa chọn của mình thôi. Những lúc tớ thất vọng với người mình chọn, tớ sẽ nghĩ tới một viễn cảnh mà trong đó bản thân đã lựa chọn khác đi
– Một việc lớn lao hệ trọng như chuyện tình cảm mà cậu buông câu ’Thế nào cũng được!’ dễ dàng như thế sao? 
– Thế nào là lớn lao hệ trọng? 
– Thì việc cậu chọn ai để gửi gắm ít nhất là một giai đoạn trong đời mình!
– Thật ra sự lựa chọn nào chả quan trọng. Ví dụ nhé, tớ lựa chọn việc không ăn sáng. Sau đó tớ ra đường, và khi lái xe tớ bị tụt đường huyết. Tớ ngã xuống đúng lúc có chiếc xe tải đi đằng sau, nó cán qua tớ và tớ chết. Cậu thấy đấy, cần gì nói đến yêu đương, việc ăn sáng cũng có thể mang tính sinh tử mà.
– Tớ mới chỉ nghe văn hoá đại chúng phóng chiếu những cô nàng Paris và sự điên của họ, nhưng tớ không nghĩ cậu cũng như thế. Không chỉ vậy, cậu còn làm tớ điên theo nữa. 

một tối ở lơ mơ

“Nhìn cặp đôi kia kìa”, Pierre nói với cô bạn thân của mình.
– Họ cũng là một cặp đôi bình thường như bao cặp đôi trẻ khác thôi. Những người trẻ của cái thành phố này. Có gì đáng chú ý à?
– Này nhé, tớ dám chắc với cậu là họ đang nói về tình dục đấy.
– Từ bao giờ cậu bắt đầu để ý chuyện xung quanh và chõ mũi vào chuyện của người khác thế?
– Ồ không, đây nhé tớ nói cho mà nghe!
Pierre châm một điếu thuốc rồi bắt đầu bài diễn văn của mình với những cử chỉ của một diễn giả:
– Bản thân cuộc trò chuyện nho nhỏ đấy mang tính riêng tư, và thường những người không quen nhau sẽ không xía vào cuộc trò chuyện của nhau, tức là họ đếch thèm quan tâm xem bàn bên nói cái gì đâu. Nhưng hai người kia vẫn ghé sát nhau thì thầm. Mà họ ngồi cách bàn bên cạnh một cánh cửa lận!
– Thì?
– Ôi, còn chủ đề nào khác ngoài tình dục mà họ phải thì thầm với nhau đâu?
– Nhưng cậu đâu chắc được?
– Cậu nhìn cách cô nàng kia đỏ mặt lên cười cười hoặc lườm lườm mỗi khi anh chàng kia ghé tai cô ta thì thầm là biết ấy mà.
– Cậu không thể chắc chắn được đấy là điều người ta nói, vì đấy là cảm quan của cậu mà?
Trang nhìn thằng bạn người Pháp của mình, và trong đầu cô chợt hiện lên một miền ký ức xa xăm về người cha, là một giáo viên có trí tưởng tượng mà bất cứ nhà biên kịch nào cũng mơ ước, người mà vẽ nên đủ mọi phỏng đoán hay viễn cảnh về những người mà ông thậm chí chưa từng nói chuyện cùng:
– Này, nhưng nếu người ta nghĩ tớ và cậu cũng đang tán tỉnh nhau thì sao?
– Cũng có thể đấy, vì họ không hiểu chúng mình nói gì. Nhưng mà mình cũng chẳng hiểu họ nói gì mà. À không, chỉ tớ thôi, tớ không biết tiếng Việt. Nhưng mà mỗi người yêu nhau lại có một ngôn ngữ riêng của họ mà chúng ta chẳng hiểu nổi.

mẹ tôi và cái bồn tắm

cái bồn tắm cao su loại nhỏ nhỏ cho bọn trẻ con bơi vào mùa hè, muốn phồng lên thì phải thổi hơi vào.

năm tôi học lớp năm, bố mẹ mua cho chúng tôi một chiếc, nhét vào nhà vệ sinh tầng hai. lũ trẻ hồ hởi tưởng tượng mình đang bơi trong một cái bể rộng gấp hai mươi lần. sau một hồi nghịch ngợm chán chê, chúng mặc quần áo và rời đi.

đến lượt mẹ tôi. bà nằm gối đầu lên thành bể cao su, hai tay tựa hết lên đường cong đầy mùi nhựa. mẹ tôi giống như đang nằm trong một chiếc bồn tắm sứ. như đang nằm trong resort. hoặc bà cũng nghĩ thế khi nhắm mắt mơ màng dưới làn nước lạnh ngắt.

mẹ tôi lớn lên trong gia đình tiểu tư sản hà nội cũ. sau cải cách ruộng đất, căn nhà tuổi thơ ngõ hàng hành tuột khỏi tay cụ ngoại, tay bà, tay mẹ. có lẽ vì hưởng sự giáo dục ấy, trong tâm khảm mẹ tôi có một lòng tự tôn không ai vùi dập nổi, kể cả những cái tát của cha tôi hay một chiếc bể cao su rẻ tiền cho trẻ con mà mẹ nằm vừa.

cả cuộc đời mẹ, từ khi tôi biết nhìn đến lúc bố mẹ chuẩn bị đường ai nấy đi, trong ánh mắt mẹ luôn có một thứ gì đó. nó nói là “mình xứng đáng với thứ tốt hơn thế này.”

thoát khỏi cuộc hôn nhân với cha tôi, mẹ tôi vẫn không có chiếc bồn tắm nào cả. nỗi sợ thốt nhiên kéo đến với tôi. khi mà tôi có thể cho mẹ tôi một chiếc bồn tắm tử tế, bà đã đến tuổi mà tắm rửa là việc sẽ an toàn hơn nếu làm dưới vòi hoa sen.

những người mặc áo khoác đồng phục của con mình

tôi lớn lên ở vùng quê, nơi trâu bò diễu hành trên đường mỗi chiều, gà vịt chạy nháo nhào trong sân, đồng ruộng thơm mùi lúa và đôi khi là mùi thuốc bảo vệ thực vật, nơi mà mớ rau không đắt đỏ như trên thành phố. mỗi mùa quê tôi có một mùi khác nhau, khi thì vương mùi đốt rơm rạ, khi thì cái lạnh ngọt thấm vào mũi, khi thì vương hương mạ non. nơi mà mỗi chiều người già cầm quạt nan và bắc ghế ra ngõ ngồi, rủ rỉ chuyện trò trong khi đám trẻ hò hét nhau chạy nhảy hay kéo nhau ra bờ ao vặt lá chơi đồ hàng.

hiển nhiên dân cư ở đây làm nông rất nhiều. họ có những đàn bò, xe kéo, xe thồ, có nhà kho để trữ thực phẩm, họ đội nón, mang ủng và gánh những quang gánh nặng trĩu, họ mặc những bộ trang phục khác xa so với cha mẹ tôi và nở những nụ cười hiền lành. một điểm chung giữa họ khá đặc biệt mà tôi để ý được chính là: họ hay mặc áo khoác đồng phục học sinh của con mình vào mùa đông.

không ít lần tôi thấy họ mặc đồng phục cấp hai, cấp ba của con mình đi làm ruộng. cấp hai tiền phong, cấp ba tiền phong, cấp hai trung vương, cấp ba mê linh, đủ cả. chắc chắn đó là đồ thừa của con cái họ sau khi chúng lớn lên, tốt nghiệp và không cần những chiếc áo đó nữa, và điều đó làm tôi cảm động hết sức.

họ không chăm chút gì cho mình, có thể họ mới chỉ học hết tiểu học hay cấp hai, nhưng họ cố gắng vì con mình rất nhiều, cố gắng để chúng được ăn học đàng hoàng tử tế, để rồi chúng đã khoác lên mình bộ đồng phục của một ngôi trường danh giá trong huyện, hay trường bình thường. với họ thì ở đâu cũng được. miễn là chúng có thể có một cuộc sống tốt hơn.

và chiếc áo đồng phục lấm lem đất bụi, cũ mèm hay sứt chỉ họ mặc của con mình, như một nhân chứng. nhân chứng cho lòng hy sinh không toan tính của họ, niềm hy vọng, tình yêu thương vô bờ mà nắng mưa, sương giá cũng không thể làm phai màu.

đẹp

người yêu dấu này, em đẹp không?
khi gò má em chẳng ửng hồng
mắt em chẳng cười vui lúng liếng
mỗi lần lệ đổ một dòng sông?

người yêu dấu này, em đẹp không? 
khi tóc em chẳng buông bềnh bồng
đôi môi chẳng mọng hồn tuổi trẻ
tự hỏi chăng người có chờ mong?